Kích thích tôm lột xác với mục đích tăng kích thước và trọng lượng tôm, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng tôm khi thu hoạch, tuy nhiên để tôm lột xác đồng đều người nuôi cần quan tâm đến nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, hàm lượng Oxy hòa tan,… Chính vì thế, thuysanbio sẽ viết một bài phân tích sâu hơn về kỹ thuật kích thích tôm lột xác hàng loạt, hi vọng sẽ giúp bà con quản lý chu kỳ lột xác trên tôm một cách tốt nhất.
Contents
Chu kỳ lột xác của tôm diễn ra như thế nào?
Đối với các loài giáp xác như tôm, cua thì sự lột xác được lặp đi lặp lại trong suốt quá trình sống của chúng, sự lột xác có ý nghĩa giúp tôm sinh trưởng tăng trọng lượng và kích thước cơ thể.
Tôm là một loại động vật giáp xác, cơ thể tôm được bao bọc bởi một lớp vỏ kitin cứng bên ngoài. Trong quá trình phát triển, tôm cần phải thay lớp vỏ kitin để tăng trọng lượng và kích thước của cơ thể. Chu kỳ lột xác của tôm được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một vòng đời. Tôm thường lột xác vào ban đêm khoảng từ 22h – 2h đêm. Khi lớp vỏ mới được hình thành không những giúp tôm tăng trưởng mà còn loại bỏ các vết sẹo, tạp chất, vi khuẩn, ký sinh trùng bám trên lớp vỏ cũ.
Lớp vỏ cũ giữa khớp đầu ngực và phần bụng nứt ra, các phần phụ của đầu ngực tôm rút ra trước, sau đó là phần bụng và các phần phụ phía sau, tôm rút ra khỏi lớp vỏ cũ bằng cách uốn cong mình toàn cơ thể, đối với những con tôm khỏe thì sự lột xác rất nhanh chỉ cần 5-7 phút. Lớp vỏ mới sẽ cứng lại sau 1-2 ngày đối với tôm lớn và 1-2h đối với tôm nhỏ. Tùy theo từng loài tôm sẽ có chu kỳ lột xác khác nhau:
- Chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng: Trong giai đoạn ấu trùng, khi nhiệt độ nước khoảng 28℃, khoảng 30 ~ 40 tiếng sẽ lột vỏ một lần. Tôm lớn khoảng 15 ngày mới lột vỏ một lần.
- Chu kỳ lột xác của tôm càng xanh: từ khi nở thành ấu trùng, phát triển thành tôm bột tôm có 11 lần lột xác, từ tôm bột đến 2 gam: 2-8 ngày lột vỏ một lần, sau đó chu kỳ lột vỏ lâu hơn lên.
Tôm lột xác
Chu kỳ lột xác của tôm thẻ chân trắng:
- Giai đoạn 1 – 15 ngày tuổi: 24 tiếng/ lần
- Giai đoạn 15 – 30 ngày tuổi: 2 – 3 ngày/ lần
- Giai đoạn 30 – 35 ngày tuổi: 3 – 5 ngày/ lần
- Giai đoạn 45 – 75 ngày tuổi: 7 ngày/ lần
- Giai đoạn 75 – 90 ngày tuổi: 10 ngày/lần
- Giai đoạn > 90 ngày tuổi: 2 tuần/ lần
Để có thể kích thích tôm lột xác đúng thời điểm thì việc nhận biết dấu hiện tiền lột xác cũng rất quan trọng. Trong khoảng thời gian này tôm sẽ ít vận động, lột xác vào thời kỳ thủy triều cao hoặc trăng tròn. Sau khi lột xác, người nuôi có thể nhìn thấy các lớp vỏ và các vệt bọt dài trên mặt nước.
Tuy nhiên, ngoài việc nắm được chu kỳ lột xác của tôm thì cần phải biết được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lột xác như thế nào thì mới đưa ra kỹ thuật kích thích tôm lột xác hàng loạt một cách hiệu quả.
Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến kỹ thuật kích thích tôm lột xác hàng loạt?
Kỹ thuật kích thích tôm lột xác hàng loạt chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thức ăn, môi trường ao nuôi và dịch bệnh.
Thức ăn
Thức ăn là một trong những yếu tố quan trong ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm nuôi. Với việc lựa chọn thức ăn công nghiệp không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thiếu các chất khoáng và chất đạm sẽ là nguyên nhân chính khiến tôm lột xác không thành công.
Môi trường ao nuôi
Các chỉ tiêu về oxy hòa tan, độ mặn, độ pH, độ kiềm không tốt có thể ảnh hưởng đến quá trình tôm lột xác, thậm chí có thể khiến tôm không thể lột xác được. Trong chu kỳ lột xác, tôm cần lượng oxy hòa tan cao gấp đôi so với bình thường.
Tìm hiểu nhanh: chế phẩm vi sinh kiểm soát ổn định môi trường ao nuôi
Dịch bệnh
Các bệnh thường gặp trên tôm xuất hiện phổ biến như đóng rong, gan tụy, phân trắng, nấm,… khiến tôm chậm lột xác hoặc không thể lột xác được, thậm chí có thể gây chết hàng loạt nếu không có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời.
Tìm hiều nhanh: Nano bạc phòng và trị bệnh trên tôm cá
Tôm lột xác không cứng vỏ do tác động bởi môi trường ao nuôi
Kỹ thuật kích thích tôm lột xác hàng loạt
Hiện nay, có rất nhiều cách kích thích tôm lột xác hàng loạt khác nhau, nhưng người nuôi chủ yếu tiến hành thay nước một phần, kết hợp với diệt khuẩn ký sinh, đồng thời xử lý bằng chế phẩm vi sinh, bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho ao tôm.
Trong thời gian tôm lột vỏ thì nên giảm lượng thức ăn khoảng 10 – 30%, sục khí đầy đủ, liên tục chuẩn bị sẵn một số khoáng quan trọng tạt xống ao nuôi. Bởi lẽ, tôm vừa lột xác sẽ hạn chế năng lượng, nó không thể bơi đi xa nên cần hấp thụ một lượng khoáng chất để làm tôm nhanh cứng vỏ.
=> Lưu ý: Lớp vỏ mới của tôm còn rất yếu nên rất dễ bị nhiễm dịch bệnh, vì thế cần bổ sung thêm khoáng chất thiết yếu như Ca, Mg, K, P, NaCl, Mn,…. Vitamin C giúp tôm nhanh cứng vỏ đồng thời lựa chọn những loại thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng tại các cơ sở uy tín cho tôm nuôi.
Nhu cầu khoáng chất cần thiết để tôm phát triển
Chức năng chung của khoáng là tham gia thành phần của bộ xương ngoài, cân bằng áp suất thẩm thấu, tham gia vào các thành phần cấu trúc của các mô, truyền xung động thần kinh. Khoáng chất đóng vai trò như thành phần thiết yếu cho các enzyme, vitamin, hormone, sắc tố, yếu tố đồng vận chuyển trong quá trình chuyển hóa, chất xúc tác và hoạt hoá enzyme.
Căn cứ theo nhu cầu khoáng được chia làm 2 nhóm đa lượng và vi lượng.
- Nhóm khoáng đa lượng: Canxi (Ca), Magie (Mg), Photpho (P), Na (Natri), Kali (K), Chloride (Cl),…
- Nhóm khoáng vi lượng: nhôm (Al), Coban (Co), Crom (Cr), đồng (Cu), Flo (F), Iod (I), Sắt (Fe), Mangan (Mn), Selenium (Se), Silic (Si).
Cơ chế hấp thụ các ion và khoáng trong nước của tôm
Bên cạnh đó, bà con cần quan tâm đến các chỉ tiêu sau đây:
- Đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước ao nuôi ở mức 4 – 6 mg/l trong suốt quá trình lột xác.
- Tăng cường quạt nước, sục khí cho ao nuôi.
- Duy trì độ pH đạt ngưỡng từ 7,5 – 8,5.
- Bổ sung thêm các chế phẩm sinh học, khoáng chất cần thiết vào thành phần thức ăn cho tôm nuôi.
- Ngoài ra, sau khi lột xác độ kiểm sẽ giảm do các ion đã được sử dụng để hình thành lớp vỏ mới. Trong trường hợp này cần phải điều chỉnh về mức 100 – 200 ppm.
Trong chu kỳ lột xác, việc quản lý vi khuẩn trong ao nuôi hết sức quan trọng. Do đó, chúng tôi khuyến khích người nuôi sử dụng đĩa thạch để phân tích các rủi ro có thể xảy ra trong ao nuôi.
Tham khảo: Clip: Cận cảnh quá trình lột xác của một con tôm